Cách điều trị bệnh trĩ chưa cần phẫu thuật

03/03/2025
|
0 lượt xem
Bệnh Đường Tiêu Hóa Các Bệnh Sức Khỏe Tiêu Hóa
Cách điều trị bệnh trĩ chưa cần phẫu thuật

Bệnh trĩ được chia thành 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có những dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng khác nhau. ThS.BS.CKI Nguyễn Anh Đức, Trung tâm nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết điều trị trĩ không phẫu thuật thường áp dụng hiệu quả trong giai đoạn sớm, nhẹ. Người bệnh trĩ giai đoạn 4 thường được chỉ định phẫu thuật sau khi điều trị bằng các biện pháp khác không hiệu quả.

Thắt búi trĩ bằng vòng cao su: Bác sĩ thắt một dải cao su đặc biệt quanh gốc trĩ để cắt nguồn cung cấp máu, phần dải của búi trĩ bị co lại và rụng đi trong vòng một tuần.

Quang đông hồng ngoại (IRC): Dùng sóng ánh sáng hồng ngoại chiếu trực tiếp vào các mô trĩ để triệt tiêu chúng. Đầu của dụng cụ làm đông máu hồng ngoại được chiếu vào gốc của búi trĩ khoảng hai giây, thực hiện 3-5 lần điều trị cho mỗi búi trĩ. Thuốc bôi làm hoại tử búi trĩ sẽ chuyển đổi sóng ánh sáng hồng ngoại thành nhiệt. Theo thời gian, niêm mạc bị tổn thương tạo thành sẹo, dẫn đến niêm mạc trĩ bị sa ra ngoài.

Đốt laser: Búi trĩ được đốt teo hoặc cắt bỏ bằng cách sử dụng carbon dioxide hoặc Nd Yag laser. Chùm tia laser loại bỏ các mô trĩ chính xác, nhanh chóng, không gây đau. Liệu pháp laser có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các phương thức khác.

Tiêm xơ hóa nội soi: Bác sĩ tiêm dung dịch hóa học vào búi trĩ để phá hủy các mạch máu cung cấp máu cho búi trĩ, khiến chúng co lại. Phương pháp này hiệu quả nhất đối với búi trĩ nhỏ và có thể điều trị nhiều lần, theo bác sĩ Đức.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng một số loại thuốc dạng bôi, uống hay dầu trị trĩ thuốc chống viêm không steroid, thuốc nội tiết tĩnh mạch... giúp giảm ngứa, rát và viêm nhiễm nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Đức khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Đức khuyên người bệnh trĩ nên điều chỉnh thói quen đi vệ sinh, sử dụng giấy vệ sinh mềm mại, không chứa chất tẩy. Tránh căng thẳng, tập thể dục đúng cách, dành thời gian nghỉ ngơi và di chuyển khi ngồi lâu để giảm áp lực lên vùng hậu môn. Không dùng các chất kích thích như cà phê, rượu và đồ uống có gas bởi chúng khiến bệnh nặng hơn. Thay đổi lối sống, ăn uống nhiều chất xơ cũng giảm triệu chứng và ngăn ngừa tái phát trĩ. Người bệnh có thể ngâm vùng hậu môn trong nước ấm khoảng khoảng 15 phút, thực hiện nhiều lần trong ngày để giảm sưng, thư giãn các cơ thắt hậu môn và làm dịu vùng da bị viêm.

Tập kegel cũng có tác dụng tăng cường sức khỏe cơ sàn chậu, giảm đau, hỗ trợ điều trị tại nhà và ngăn ngừa trĩ lan rộng. Người bệnh có thể nằm ngửa hoặc ngồi thoải mái, thực hiện co thắt cơ hậu môn như đang cố ngăn việc xì hơi, giữ nguyên động tác này trong 5 giây, sau đó thư giãn trong 10 giây, lặp lại 5 lần. Lưu ý nên dùng một nửa sức mạnh, bóp và thư giãn các cơ nhanh nhất có thể, duy trì trong thời gian càng lâu càng tốt. Thực hiện 2-4 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả.

Thảo Nhi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật